ĐÊM TÌNH MÙA ĐÔNG
Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết
sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất
của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc. Trong đó,
không thể không kể đến tập Truyện Tây Bắc, mà linh hồn là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
Truyện ngắn viết về số phận khổ đau, bất hạnh của những người lao động trước Cách mạng. Nhưng
bằng sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, họ đã vươn lên để bước sang một trang mới tươi sáng, hạnh
phúc. Đoạn trích sau đây đã miêu tả sức phản kháng, sức sống mãnh liệt của Mị trong đêm tình
mùa xuân (mùa đông).
Tô Hoài đến với mảnh đất Tây Bắc năm 1952 trong chuyến đi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc,
văn nhân cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để tích lũy vốn sống, để tăng tình cảm gắn bó, để tìm cảm
hứng với đồng bào nơi đây. Và từ nơi ấy, “Vợ chồng A Phủ” ra đời. Tác phẩm là bức tranh chân
thực về cuộc sống và số phận nghiệt ngã của người nông dân nghèo miền núi dưới áp bức bóc lột
tàn bạo của các thế lực phong kiến và thực dân, đồng thời lại là một bài ca về sức sống mãnh liệt và
khát vọng tự do của con người. Những trang văn viết về sự trỗi dậy sức sống của Mị trong đêm tình
mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ không chỉ thể hiện được sự tài hoa cùng ngòi bút nhân
đạo của Tô Hoài mà còn cho ta thấy khát vọng sống mãnh liệt của người lao động nghèo vùng cao.
Trong tác phẩm này, điều gây cho bạn đọc ấn tượng nhất đó chính là hình ảnh của cô gái “dù làm
bất cứ việc gì, cô ta cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Đó là nét tâm lý của một con người cam
chịu, buông xuôi trước số phận, hoàn cảnh sống đen tối đầy bi kịch. Trước đây Mị là một cô gái trẻ
đẹp, yêu đời, chăm chỉ, có tài thổi lá hay như thổi sáo với những vẻ đẹp ấy cô xứng đáng được
hưởng hạnh phúc nhưng vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị phải trở thành con dâu gạt nợ. Sở dĩ
Mị có nét tính cách như bây giờ là do giai cấp thống trị đã biến con người trở thành nô lệ, mất đi
đời sống thiết thực , ý niệm về cuộc sống. Mang tiếng là con dâu của một người giàu có nhất vùng,
nhưng thật sự Mị chỉ là một kẻ nô lệ không hơn không kém. Điều đó làm Mị đau khổ, Mị khóc
ròng rã mấy tháng trời và từng có ý định ăn nắm lá ngón kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng “sống
lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Chính vì thế Mị đã buông xuôi trước số phận đen tối của mình,
trái tim của Mị dần chai sạn và mất đi nhịp đập tự nhiên của nó.
Song song với nét tính cách đó thì ẩn sâu bên trong là tâm trạng của một người yêu đời, yêu cuộc
sống, mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh sống đen tối, đầy bi kịch. Điều đó đã được thể hiện trong
đêm mùa xuân. Trong đêm mùa xuân ấy, sức sống tiềm tàng luôn âm ỉ của Mị trỗi dậy mạnh mẽ.
Ban đầu, Mị nghe tiếng sáo quen thuộc, Mị nhẩm thầm bài hát người đang thổi rồi Mị uống rượu và
nhớ lại kỷ niệm đẹp thời xa xưa… Mị ý thức được về bản thân và về cuộc đời rồi Mị muốn đi chơi.