Le monde d'isis

Le monde d'isis

Le monde d'isis

Tựa đề: Kyou no Kira-kun | Closest love to the heaven

Tựa dịch từ tiếng Nhật: Kira-kun của ngày hôm nay. Cá nhân isis không thích và không thấy tựa tiếng Anh sát nội dung tác phẩm.

Đạo diễn: Yasuhiro Kawamura

Biên kịch: Chieko Nakagawa

Thể loại: live action, học đường, tâm lý xã hội, lãng mạn

Ngôn ngữ: Tiếng Nhật

Nhà sản xuất: Rikyu Ohata, Hitoshi Fuse

Diễn viên: Taishi Nakagawa vai Yuiji Kira, Marie Iitoyo vai Okamura Ninon, Shono Hayama vai Yabe, Yuna Taira vai Rei-chan

Thời lượng: 109 phút

Thông tin khác:

  • Công chiếu: 25.02.2017
  • Chuyển thể từ manga cùng tên của Mikimoto Rin. Série manga này được phát hành từ năm 2011 và kết thúc năm 2014.
  • Cảm ơn Fly-fansub đã mang đến một bộ phim siêu đáng yêu như thế này.

.

.

.

.

Mình sẽ ở bên Kira-kun 365 ngày, cho đến cuối cùng của cuối cùng

.

.

.

.

.

.

Lưu ý: Bài viết chứa so sánh giữa nguyên tác manga và live action. Tác giả hạn chế tối đa việc spoil nội dung của cả hai tác phẩm (dù việc này thực ra không cần thiết lắm vì nội dung của cả hai khá dễ đoán).

Nếu có băn khoăn về nhan sắc couple chính thì poster là sản phẩm dìm hạng thậm tệ cả hai cháu ;; A ;;

.

.

Một ngày, cô gái với mái tóc dài xoăn bồng bềnh, tóc mái che kín nửa gương mặt xuất hiện trước mặt Yuiji Kira và hỏi: “Cậu sắp chết phải không?”. Đường đột, bất ngờ và không hề quen biết trước, câu hỏi ấy xé rách vẻ bình thản đến bất cần của Kira, xé rách lời nói dối mà cậu vẫn thường trưng ra để gạt chính mình, vòng tránh khỏi tổn thương cứ sâu thêm từng chút. Phải, Yuiji Kira, học sinh cao trung ở cái tuổi tương lai vẫn còn là điều bí ẩn đầy hấp dẫn chỉ còn sống được một năm.

Một năm.

365 ngày đếm ngược đến kết thúc của cuộc đời còn chưa kịp mở ra.

Cô bạn cùng lớp nhảy vào cuộc đời của Kira không phải người hoàn toàn xa lạ. Okamura Ninon học cùng cậu từ thời cấp hai, hai đứa gần nhà nhau (trong nguyên tác là hàng xóm sát vách) và mức độ quen biết giữa hai gia đình cũng nằm trên mức xóm giềng, thế nên Ninon mới biết khá rõ hoàn cảnh của Kira. Mang theo sự cảm mến có từ lâu, Ninon – cô nữ sinh kì quặc không muốn nhìn mặt ai, kè kè những con vẹt nhồi bông bên cặp xách, chìm nghỉm trong tập thể lớp – tiến tới và nói: muốn ở cạnh Kira trọn vẹn một năm, để cậu có được những kí ức đẹp nhất, để không cô độc cho đến cuối cùng.

Kyou no Kira-kun chứa đầy những tình tiết lãng mạn, những cao trào điển hình shoujo theo motif nữ sinh yếu đuối, rụt rè phải lòng ikemen của trường cấp ba, mà cậu này đang bị bệnh thập tử nhất sinh. Chưa cần xem phim, tự khắc khán giả đã đặt ra một loạt những giả định: cậu ikemen lạnh lùng kia tại sao lại phải lòng nữ chính; bệnh tật như vậy nên lại thác loạn, buông thả, chơi đùa rồi thành yêu thật phải không; nói chỉ 365 ngày thôi nhưng chắc chắn sẽ muốn chống lại cái chết được báo trước; chẳng có phụ huynh nào lại muốn con em mình lao vào một mối tình trong sáng nhưng vô vọng đến thế ở cái tuổi mười sáu, mười bảy; một người không có tương lai liệu có quyền yêu thương ai đó; quan trọng nhất đương nhiên là câu hỏi: nam chính Kira-kun có chết không.

Kyou no Kira-kun diễn ra theo đúng và đáp ứng toàn bộ những khẩu vị kinh điển đó, và cứ yên tâm theo dõi phim nhé vì Kira-kun đẹp trai sẽ không chết đâu. Bộ phim này khá thích hợp để xem vào mùa thu (dù thời điểm công chiếu là mùa xuân), nhờ nó mà phải rất lâu rồi tôi mới lại yêu thích nữ chính trong tác phẩm chuyển thể từ shoujo học đường đến vậy (gần đây nhất hai nữ chính bất khả chiến bại đương nhiên phải kể đến Nanami của Kami-sama hajimemashita và Haruhi của Ouran highschool host club). Có lẽ là ngược đời khi live action lại tỏ ra xuất sắc hơn nguyên tác khá nhiều, đó là điều tôi nhận ra sau khi xem phim và đọc hết 33 chapitre.

Với dung lượng vào khoảng 8 volume manga thì Kyou no Kira-kun quả thực không phải một câu chuyện quá dài. Tuy vậy khi chuyển thể thành live action, đương nhiên không tránh khỏi chuyện cắt xén, biến tấu, sắp xếp lại tình huống truyện để phù hợp với ngôn ngữ cũng như thời gian của một tác phẩm điện ảnh. Kyou no Kira-kun chắc chắn không hợp để làm live action dạng TV série khoảng 8 đến 10 ep, vì như vậy sẽ chẳng có gì để kể cũng như duy trì mức độ quan tâm của khán giả. Nhưng với 109 phút lại hơi ngắn, tôi nghĩ nếu có thể khai thác thêm một vài chi tiết quan trọng ở vol 7 và 8, đưa thời lượng phim lên khoảng 125 phút hoặc hơn một chút thì có lẽ sẽ tốt hơn. Ban đầu sau khi xem xong movie, tôi đi tìm nguyên tác đọc chơi với niềm tin phim đã làm được như vậy thì chắc chắn manga phải đầy đặn, hấp dẫn hơn. Nhưng hóa ra không phải như vậy, manga không quá dở nhưng nó có tiềm năng rõ rệt trong việc khiến tôi từ bỏ ngay sau chương đầu mà không cần tò mò về bất kì một khía cạnh nào khác của câu chuyện.

Điểm sáng nhất của manga cũng là điểm khi đưa vào live action bị cắt bỏ không thương tiếc: con vẹt biết nói chuyên dùng giọng Kansai với trí tuệ uyên bác cộng thêm khả năng thấu hiểu lòng người phi thường. Đây chắc chắn là điều vô cùng đáng tiếc, nhưng có lẽ vì vấn đề kĩ thuật cũng như việc hướng đến một tác phẩm có nhiều tính hiện thực hơn nên đành phải tạm biệt sensei của Ninon-chan vậy. Con vẹt thông minh quá mức đó trong manga là điểm làm cho Ninon trở nên khác biệt, khác biệt với những nhân vật còn lại và với những nữ chính trong các tác phẩm shoujo xung quanh.

Khi cắt bỏ tuyến nhân vật này, đạo diễn và biên kịch đã thêm vào cho Ninon của movie những màu sắc khác chân thật hơn, sống động hơn. Ninon rụt rè, có những kí ức không mấy tốt đẹp khi từng bị bắt nạt, không có bạn bè. Tuy thế, cô gái khéo tay, hiền lành ấy vẫn luôn giữ được sự trong sáng, nhạy cảm và vô cùng tha thiết, bao dung trong tình yêu (với Kira và với cả động vật). Ninon của Marie mới thực sự xứng với chữ kawaii, từ ngoài hình, giọng nói (xin nhấn mạnh giọng nói lẫn cách nhả thoại của Marie vô cùng, vô cùng dễ chịu, ngọt như mật ong vậy) đến tính cách. Trong nguyên tác, nhân vật Ninon rất nhạt nhẽo, thụ động, tương tác tích cực của cô gái ấy lên Kira thực sự không thuyết phục, chỉ dừng lại ở những câu nói nghe hay nhưng khá vô tích sự, thiếu sự đồng cảm lẫn cảm động. Chưa kể, cách thể hiện cảm xúc qua nét vẽ của mangaka Mikimoto nhiều lần đưa người đọc vào tình huống bối rối, dở khóc dở cười vì không hiểu nhân vật đang muốn bộc lộ tâm lý nào. Theo tình huống truyện, theo thoại và nội dung thì chỉ là sự ngượng ngùng, lạnh nhạt vụng về của tình cảm gà bông, nhưng hình thức thể hiện lại là dạng lạnh lùng sắc lẻm, cool ngầu như các chị đại (?!).

Còn trong movie, Ninon trở thành cô gái có những lúng túng khi lần đầu theo đuổi người cảm mến, dần dần đi từ lời đề nghị đơn phương đột ngột trở thành người không thể thiếu trong thế giới của Kira thông qua sự quan tâm chân thành, lặng lẽ. Nhìn nụ cười của Ninon, nhìn nụ cười của Kira vì cô gái bé nhỏ ấy mà xuất hiện lại trên môi, tôi chợt nghĩ đến Sakura-chan trong Card Captor của CLAMP, arc thu phục lá bài Light và Dark. Khi bóng tối dày đặc bao trùm, khi không nhìn được đường để đi, khi cùng quẫn đau khổ, ánh sáng từ đâu mà đến? Ánh sáng ấy xuất hiện từ bên trong, từ trái tim của con người.

Movie là sự lược bỏ sự thái quá, nói cách khác là đưa không khí câu chuyện về mức đời thường, yên ả, cố gắng hết sức gần gũi với sự thường nhật, với những điều có thể xảy ra ở bất kì đâu. Bộ phim không xoáy sâu quá mức vào sự bắt nạt mà Ninon phải chịu đựng, chỉ dừng lại ở một vài xích mích, trêu đùa cà chớn của đám học sinh trước cô bạn nhút nhát suốt ngày ngồi đan móc, thêu thùa đủ các loại chim thú. Thế nên nó cũng không phát triển đời sống riêng tư của Ninon theo manga: đùng một cái có bạn, đùng một cái có bạn thân, đùng một cái cả thế giới thành tử tế, gắn bó sâu sắc với nhau. Movie mở rộng vừa phải thế giới khép kín của cả Ninon lẫn Kira, để hai người trẻ từ từ nhận ra tiếp sau những trải nghiệm cay đắng của họ còn một không gian khác không tràn ngập thù địch hay đau thương.

Yuiji Kira của Nakagawa cũng không được/bị đẩy lên thành mẫu nam chính ikemen, lạnh lùng, ngạo ngược bên ngoài, còn bên trong lại mang đầy rẫy vết thương lòng như manga. Kira dừng lại ở hình ảnh một cậu học sinh cao trung điển trai, quảng giao nhưng không thực sự thân thiết với ai trừ YabeRei – một người là bạn học từ lâu, một người là chỗ dựa, là nơi chia sẻ bệnh tật, suy tư thuộc về thế giới của những kẻ không lành lặn. Kira-kun dưới bỏ bọc bình thường, thản nhiên hiện lên với trái tim thuần khiết, không cam lòng chấp nhận cái chế, nhưng cũng không biết làm gì để sống, để thấy mình sống có ý nghĩa khi thời gian mỗi lúc một cạn kiệt dần. Chính điều ấy làm khía cạnh nhạy cảm, khá mít ướt của chàng trai này bộc lộ ra hợp lý hơn nguyên tác.

Movie bỏ qua sự cắn rứt của Kira với bố, bỏ qua nỗi ăn năn vì để sinh ra cậu mà mẹ qua đời, nhưng trớ trêu thay cuối cùng cậu lại sắp chết. Sự vô nghĩa ấy thực sự là một chi tiết đắt giá của manga. Thêm vào đó, giá như có thể đẩy thêm một cao trào về cuộc phẫu thuật tại Mỹ của Kira, tương lai mà những cô cậu thanh niên cùng bước đến khi đang trưởng thành thì chắc chắn, ý nghĩa thanh xuân của tác phẩm sẽ còn được nâng cao hơn nữa, vượt qua ngưỡng tình yêu học trò.

Sự lược bỏ tình yêu tay ba ngớ ngẩn, gượng ép giữa Kira-Nino-Yabe là quyết định đúng đắn, vì trong nguyên tác Yabe đóng vai một kẻ bắt nạt ngông nghênh, ích kỷ, đáng ghét với trò làm loạn senpai notice me rất rất gay với Kira. Tôi không có quá nhiều vấn đề với thể loại hay chi tiết shounen-ai nhưng cách kể chuyện của mangaka rất ỡm ờ, không được tổ chức cẩn thận nên có lúc thấy Yabe không thích Ninon vì cô gái này cướp mất Kira khỏi hội trẻ trâu, khỏi quan hệ thân thiết chỉ với Yabe; có lúc lại há mồm trợn mắt khi Yabe nói cảm mến Ninon thực sự chứ không phải cố tình chọc Kira ghen. Yabe trong movie đáng mến hơn nhiều, là cậu nam sinh hơi ồn ào, náo nhiệt, cái gì cũng để hết lên mặt nhưng tình cảm giữa cậu và Kira thực sự rất đáng trân trọng. Nhờ tính cách bốc đồng ngây thơ đó mà mâu thuẫn cao trào nhất của mạch phim được giải quyết gọn gàng, lãng mạn. Phải rồi, như Yabe nói, tất cả chúng ta dù khỏe mạnh hay bệnh tật đều có quyền hướng đến tương lai, vì chẳng có hạn định nào cả, vì chẳng ai biết ngày mai liệu mình còn sống hay không.

Nhân vật Rei-chan, cô bạn bệnh nhân của Kira, cũng là vai diễn đầy hứa hẹn, đến mức tôi đã nghĩ nếu như biên kịch đã cải tổ lại cốt truyện đến thế so với nguyên tác, tại sao không xoáy sâu thêm vào quan hệ của ReiKira, về thế giới hạn hẹp của những người không biết lúc nào trái tim mình sẽ ngừng đập; tồn tại với nỗi thắc thỏm khi ôm quả bom có thể nổ tung bất kì lúc nào; vừa yếu đuối, tuyệt vọng nhưng cũng vừa mạnh mẽ, khát khao sinh tồn nhất? Rei-chan có sự ích kỷ, gắn bó mật thiết với Kira vì họ sống dưới cùng một bầu trời, chịu đựng cùng một gánh nặng. Rei-chan cũng là người nhìn thấy sự bất cần, buông thả của Kira, thậm chí còn dấn thân vào đó. Tất cả những mối dây ấy khiến cô không dễ dàng chấp nhận Ninon, hay yên tâm để Kira bước về phía cánh cửa đang dần mở ra cho cậu. Sự giằng xé giữa bảo vệ, gắn bó với sự hoài nghi, kết hợp cùng âm thầm cổ vũ được xây dựng trên nền tảng cảm xúc không chứa quá nhiều tình yêu nam-nữ làm cho quan hệ Rei với Kira xứng tầm để được khai thác sâu hơn, tồn tại như một khía cạnh độc lập chứ không chỉ đơn giản là một thách thức cho tình cảm của NinonKira. Phải nói thêm rằng, chính sự phân chia hợp lý vai trò của các nhân vật, cân nhắc sự tương tác giữa bốn cô cậu học sinh với nhau làm cho thông điệp về tình bạn nằm ở vị trí ngang bằng với tình yêu, chứ không phải một sự gò ép thêm thắt cho đủ lệ bộ rập khuôn theo dàn bài mở-thân-kết.

Điều đáng tiếc cuối cùng là movie đã không đưa vào thông điệp sau chót của nguyên tác: Con người dù có gặp nhau, có gắn bó thì đến cuối cùng vẫn phải sống một mình, tự mình đối diện với những gánh nặng cá nhân. Nhưng một mình ấy không bao giờ là đơn độc, là cô đơn như lúc trước, bởi chúng ta còn có thể cho nhau một nụ cười như hoa hướng dương, một ánh mắt yêu thương chờ đợi để lấy lại dũng khí mà tiếp bước.

Kyou no Kira-kun chỉ là một trong vô vàn những tác phẩm đã, đang và sẽ khắc họa tình yêu học trò – motif kinh điển, mòn vẹt của shoujo manga. Chỉ biết khi đã quá quen thuộc đến mức nằm lòng sự triển khai của đạo diễn, biên kịch, thứ đọng lại là bản thân đã mỉm cười theo những gương mặt trẻ trung, rạng rỡ ấy; đã xúc động vì sự chân thành, nhẫn nại quá đỗi hiền lành mà họ dành cho nhau. Và rằng, chúng ta sống vì bản thân mình, vì điều đón đợi ở hôm nay và ở tương lai hãy còn phía trước.

PS: Chemistry giữa Kira và Ninon cực kì tốt. Vì là phim điện ảnh học đường nên các cảnh quay không quá đặc sắc nhưng bù lại màu sắc ở những cảnh đặc tả rất nên thơ, làm nổi bật ánh mắt, nụ cười – hai chi tiết rất quan trọng ở hai nhân vật chính. Cười ấy là cười thật, cười chính từ trong con người của diễn viên cười ra nên ngọt ngào lắm lắm!

This post was last modified on Tháng mười 28, 2023 8:48 chiều

Trần Thu Uyên: Họ tên đầy đủ: Xin chào mình là thuuyen (tên thật là Trần Thu Uyên) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp khoa Báo chí trường Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền. Hai năm kinh nghiệm sản xuất những nội dung như ẩm thực, giáo dục, phong thủy, sự kiện, thần số học, chiêm tinh... Kinh nghiệm làm việc: Từ nhỏ mình đã có niềm đam mê với viết lách, đặc biệt là chia sẻ góc nhìn của mình về 1 vấn đề cụ thể. Mình luôn luôn nói đến và tìm kiếm liên hệ giữa mình và vũ trụ xung quanh. Mình là một biên tập viên của Vui Học Tiếng Hàn. Mình muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân qua một thời gian dài làm việc để truyền tải những giá trị tốt đẹp và tích cực tới mọi người. Các bạn có thể kết nối thêm với mình tại: https://twitter.com/thuuyen268 https://www.linkedin.com/in/thuuyen268/ https://www.twitch.tv/thuuyen268/ https://www.flickr.com/people/thuuyen268/ https://dribbble.com/thuuyen268/about https://www.behance.net/thuuyen268 https://github.com/thuuyen268 https://www.scoop.it/u/thuuyen268 https://vi.gravatar.com/thuuyen268 https://www.reddit.com/user/thuuyen268 https://issuu.com/thuuyen268 https://www.goodreads.com/thuuyen268 https://myspace.com/thuuyen268/ https://trello.com/u/thuuyen268 https://www.plurk.com/thuuyen268 https://linkhay.com/u/thuuyen268 https://linktr.ee/thuuyen268 https://www.pinterest.com/thuuyen286/ www.tumblr.com/thuuyen268 https://vimeo.com/thuuyen268 https://soundcloud.com/thuuyen268 https://patreon.com/thuuyen268